Quả sơn trà từ lâu đã được biết đến là một vị thuốc quen thuộc trong Đông y với nhiều công dụng chữa bệnh. Sơn trà thường được sử dụng để điều trị bệnh tiêu hóa và một số công dụng khác. Cụ thể, sơn trà có những tác dụng gì đối với sức khỏe con người, cách dùng như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết cũng như hướng dẫn sử dụng hiệu quả loại dược liệu này.
Đặc điểm của cây sơn trà
Sơn trà là loại cây thuộc họ hoa hồng, chúng có nhiều tên gọi khác nhau như táo mèo, hồng quả, xích yên tử, yên chi… Cây sơn trà có hình dáng giống như cây ăn quả khác, phân thành nhiều cành, trên các cành non có nhiều lông tơ. Lá cây có hình trứng dài, nhọn, mọc so le với nhau. Hoa sơn trà có màu trắng, thường mọc thành chùm, mỗi chùm có 4 – 5 hoa.
Sơn trà có 2 loại là Nam sơn trà và Bắc sơn trà. Nam sơn trà hay còn có tên gọi khác là dã sơn trà, cây cao khoảng 15cm, lá thon dài. Quả nam sơn trà có hình cầu, khi chín có màu đỏ, vàng như trái cherry. Còn Bắc sơn trà thì thấp hơn, lá có các mép răng cưa. Hiện nay loại quả sơn trà chủ yếu được dùng là làm thuốc là quả nam sơn trà.
Trước kia, quả sơn trà ở nước ta được nhập chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên hiện nay cây sơn trà đã được trồng phổ biến hơn ở các tỉnh miền núi phía Bắc bằng phương pháp chiết cành. Ngoài ra, chúng cũng mọc hoang ở các dãy núi cao như dãy Hoàng Liên Sơn.
Thông tin về quả sơn trà
Quả sơn trà có hình cầu, nhỏ giống như quả táo, khi chín sẽ có màu đỏ. Theo nghiên cứu, trong sơn trà có nhiều thành phần tốt cho sức khỏe như Axit Xitric, Axit Tactric, Vitamin C, Hydrat Cacbon và Protein. Hàm lượng các chất tan, tanin, axit hữu cơ, tinh dầu… cũng chiếm một lượng đáng kể. Chính vì vậy, sơn trà được nghiên cứu đẻ làm thuốc chữa bệnh, tận dụng hết công dụng của sơn trà.
Quả sơn trà sau khi được hái về sẽ được thái nhỏ và đen phơi khô hoặc sấy để làm thuốc. Ngoài ra, sơn trà tươi cũng được dùng để ngâm rượu. Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều quả sơn trà, bạn có thể tìm mua quả tươi hoặc quả khô đều rất dễ dàng.
Tác dụng chữa bệnh của quả sơn trà
Theo Đông y, sơn trà có vị chua, tính hàn nên được dùng để điều trị các bệnh về hệ tiêu hóa, đau bụng, tiêu ứ huyết, tiêu khí tích… Dưới đây là những công dụng chủ yếu của quả sơn trà được nghiên cứu bởi y học hiện đại.
Điều trị bệnh rối loạn hệ tiêu hóa
Sơn trà giúp kích thích sự bài tiết dịch vị và dịch mật trong dạ dày, làm tăng hoạt động của men tiêu hóa như amylolytic enzyme, lipolytic enzyme… Do đó, dạ dày sẽ co bóp đều đặn hơn, giúp ruột trơn tru hơn và cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa nói chung.
Đối với những người bị rối loạn hệ tiêu hóa, đầy bụng khó tiêu… sử dụng quả sơn trà đều mang lại hiệu quả tốt. Ngoài ra, các bài thuốc chữa đau dạ dày, đau thượng vị, trào ngược dạ dày… từ sơn trà đều mang lại hiệu quả tốt.
Hạ huyết áp, hạ mỡ máu
Quả sơn trà có hàm lượng chống oxy hóa cao, giúp làm tăng lưu lượng máu qua động mạch vành, tăng cung cấp oxy cho tim. Do đó, sơn trà giúp hạ huyết áp, cải thiện chức năng của hệ tuần hoàn và ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Quả sơn trà cũng làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu, ức chế quá trình hình thành và lắng đọng mỡ thừa ở động mạch vành. Nhờ đó giúp hạ mỡ máu, ngăn ngừa bệnh xơ vỡ động mạch.
Ức chế sự phát triển của vi khuẩn
Các hoạt chất kháng khuẩn có trong sơn trà có khả năng ức chế một số loại vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, thương hàn, tụ cầu vàng, E.coli… Đồng thời, quả sơn trà cũng có tác dụng hấp thu hết các độc tố do vi khuẩn hoại tử gây ra. Đó chính là lý do tại sao sơn trà được sử dụng làm thuốc chữa bệnh đau dạ dày, ngăn ngừa tiêu chảy, giảm các tác động lên thành ruột.
Ngoài ra, sơn trà còn có một số tác dụng khác đối với sức khỏe con người như tăng cường hệ miễn dịch, giãn phế quản, ngăn ngừa quá trình oxy hóa. Sơn trà cũng được dùng để phòng chống ngưng tập tiểu cầu, chống ung thư… Mặc dù các tác dụng này không được nghiên cứu và áp dụng nhiều.
Cách dùng quả sơn trà
Thông thường sơn trà đã phơi khô sẽ được kết hợp với các vị thuốc khác để tạo thành bài thuốc chữa bệnh. Một số bài thuốc phổ biến sử dụng sơn trà như bài thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu ở người cao tuổi, bài thuốc giảm ợ chua, trào ngược dạ dày, bài thuốc chữa viêm loét dạ dày tá tràng… Tùy theo từng bài thuốc, thể trạng của mỗi người mà quả sơn trà sẽ có cách kết hợp khác nhau để mang lại hiệu quả chữa bệnh cao nhất.
Lưu ý: mỗi vị thuốc có dược tính khác nhau. Do đó, bạn không được tự ý kết hợp sơn trà với các vị thuốc hay thảo dược khác. Để đảm bảo an toàn nhất, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc bác sĩ Đông y và sử dụng theo bài thuốc mà bác sĩ kê đơn.
Ngoài ra, sơn trà còn được sử dụng để ngâm với đường hoặc với rượu khi còn tươi. Bạn chỉ cần rửa sạch quả sơn trà, cắt bỏ 2 đầu, ngâm khoảng 1 tiếng với nước lạnh. Sau đó vớt ra, tiếp tục ngâm thêm 30 phút với nước muối, rồi rửa lại bằng nước sạch. Xếp sơn trà vào bình thủy tinh, cứ 1 lớp quả thì đến 1 lớp đường đến khi hết số quả chuẩn bị. Cuối cùng đậy kín nắp và bảo quản nơi khô ráo. Cách ngâm sơn trà với rượu cũng thực hiện tương tự như khi ngâm với đường.
Hy vọng với những thông tin về quả sơn trà mà chúng tôi cung cấp trên đây sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức về loại quả này. Sơn trà nếu sử dụng đúng cách sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, tốt cho sức khỏe con người.
Nguồn bài viết: https://channguyen.vn