Ngải cứu có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền. Bài viết sau Phòng Khám Chân Nguyên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại thảo dược này.
Đặc điểm của cây Ngải cứu
Ngải cứu là một loại thảo dược không quá xa lạ với người Việt. Nó được dùng nhiều trong các bữa ăn và là loại thảo dược xuất hiện rất nhiều trong các bài thuốc dân gian.
Ngải cứu có tên khoa học là Artemisia Vulgaris thuộc họ nhà Cúc và có thân cỏ. Nó còn có nhiều tên gọi dân gian khác như ngải diệp, cây thuốc cứu… Dưới đây là những đặc điểm giúp bạn hiểu rõ hơn về loại thảo dược này.
Đặc điểm hình thái cây Ngải cứu
Đây là một loại cây thân thảo có tuổi thọ cao với chiều cao khoảng 0,5 đến 1,2m. Toàn bộ thân cây từ cành đến 2 mặt lá đều được bao phủ bởi một lớp lông nhỏ, màu trắng.
Lá cây mọc so le với nhau, phiến lá có hình giống lông chim với dáng xẻ. Các phiến lá mọc men theo thân và mọc đến tận gốc. Mặt trên của lá có màu xanh sẫm còn mặt dưới có màu trắng xám. Mùi cây khá nồng nên khi bạn ngửi không quen có thể gây khó chịu.
Hoa của loại cây này thường mọc thành từng chùm kép ở ngay đầu cành. Các cụm hoa có hình đầu nhỏ, màu vàng lục hơi nhạt. Hoa thường nở vào mùa hạ và quả kết trái sau đó. Quả của nó không có lông và có kích thước khá nhỏ.
Đặc điểm phân bố
Đây là loại cây dễ sinh trưởng và phát triển nên nó có mặt hầu khắp các tỉnh thành. Ngải cứu thường mọc hoang và thường gặp ở các bãi đất trống, bờ ruộng, ven đường…
Hiện nay cũng có nhiều nơi gieo trồng loại cây này để làm thuốc hoặc phục vụ nhu cầu ăn uống. Một số tỉnh chuyên canh loại cây này có thể nhắc đến như Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên…
Đặc điểm thu hái và bào chế
Phần lá và ngọn Ngải cứu được dùng làm món ăn, còn thân của nó được dùng làm thuốc chữa bệnh. Thời điểm tốt nhất để thu hái loại cây này là trước khi cây nở hoa.
Bởi đây là lúc mà nó có chứa nhiều tinh dầu tốt cho sức khỏe nhất. Thời điểm này là tầm tháng 6 – 7 hàng năm. Khi thu hái người ta có thể nhổ cả cây hoặc chỉ lấy phần lá và ngọn.
Nếu dùng tươi để làm món ăn sau khi thu hái sẽ rửa sạch và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần. Nếu dùng khô người ta sẽ cắt thành các khúc nhỏ rồi phơi khô và bảo quản trong túi nilon kín, đặt tại nơi khô thoáng tránh ẩm mốc.
Đặc điểm thành phần hóa học
Trong loại thảo dược này có chứa rất nhiều các thành phần hóa học khác nhau. Các thành phần này đã được chứng minh là mang đến những lợi ích tích cực cho sức khỏe. Chẳng hạn như:
- Tinh dầu: Monoterpen, sesquiterpen, dehydro matricaria ester, tetradecatrilin, tricosanol, ara cholacol.
- Hoạt chất flavonoid.
- Chất màu indigo – base.
- Các axit amin như cholin, adenin.
- Các thành phần hoạt tính như assassin, absinthin, nhựa…
Công dụng của cây Ngải cứu
Cả Đông y và Tây y đều công nhận các lợi ích của Ngải cứu đối với sức khỏe. Dưới đây là những công dụng cụ thể mà bạn có thể tham khảo.
Công dụng theo Đông y
Theo Y học cổ truyền Ngải diệp có vị đắng, có tính ấm, có mùi nồng đi vào kinh tỳ, can, thận. Nó có các tác dụng như ôn kinh chỉ huyết, lý huyết an thai, tán hàn chỉ thống. Ngải diệp được chỉ định dùng trong các trường hợp như:
- Nôn ra máu, ho đờm lẫn máu.
- Chảy máu cam.
- Đại tiện, tiểu tiện bị xuất huyết, lẫn máu.
- Cải thiện và tăng cường sức khỏe sau sinh.
Công dụng theo y học hiện đại
Theo y học hiện đại, các thành phần hóa học có trong cây Ngải cứu mang đến những công dụng như:
- Giúp giảm các cơn đau ở bệnh viêm xương khớp.
- Chống nhiễm ký sinh trùng, điều trị nhiễm giun đường tiêu hóa.
- Có các chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa một số bệnh lý ung thư, các bệnh lý về tim mạch, bệnh Alzheimer và một số bệnh lý khác.
- Giúp chống viêm, hỗ trợ điều trị viêm do một số bệnh mãn tính kéo dài gây nên.
Cách sử dụng Ngải cứu điều trị bệnh lý
Với mỗi một bệnh lý khác nhau thì liều lượng và cách dùng Ngải cứu cũng sẽ khác nhau. Để sử dụng loại thảo dược này được an toàn và hiệu quả bạn có thể tham khảo cách dùng cụ thể dưới đây.
Cách dùng để điều kinh
Để thực hiện bạn cần chuẩn bị khoảng 6 – 12g Ngải cứu sắc với nước hoặc hãm như khi pha trà. Bạn chia nước này làm 3 lần dùng và uống hết trong một ngày. Hoặc bạn có thể dùng 5 – 10g bột dược liệu này pha với nước và uống làm 3 lần trong ngày. Cách này cần thực hiện khoảng 1 tuần trước khi đến ngày hành kinh và áp dụng cho những chị em có kinh nguyệt đều.
Nếu kinh nguyệt của bạn không đều thì bạn lấy 10g dược liệu khô sắc với 200ml nước. Đun nhỏ lửa cho đến khi nước cạn còn 100ml thì tắt bếp chắt lấy nước và thêm 1 chút đường chia làm 2 lần uống hết trong ngày. Với cách này bạn cần thực hiện vào ngày đầu tiên thấy kinh và trong suốt những ngày hành kinh.
Cách dùng để an thai
Bạn cần chuẩn bị khoảng 16g lá Ngải cứu, 16g lá tía tô đem rửa sạch và sắc với 600ml nước. Đun nhỏ lửa cho đến khi nước cạn còn khoảng 100ml thì tắt bếp và chắt lấy nước để uống. Chia nước làm 3 – 4 phần uống hết trong ngày. Bạn chỉ nên thực hiện khi thấy hiện tượng đau bụng, ra máu.
Cách sử dụng để cầm máu, sơ cứu vết thương
Đối với cách này bạn hái lấy lá Ngải cứu tươi, rửa sạch rồi giã nát. Sau đó thêm vào ⅓ muỗng cà phê muối trắng rồi dùng đắp lên vết thương. Loại thảo dược này có tác dụng cầm máu và giảm đau nhức hiệu quả.
Cách sử dụng để chữa mẩn ngứa, trị mụn
Đầu tiên bạn hái lá Ngải cứu tươi rửa sạch và giã nát. Sau đó bạn dùng nó đắp lên vùng mẩn ngứa, vùng da có mụn để khoảng 20 phút. Cuối cùng bạn rửa lại thật sạch vùng da mới đắp.
Đối với trẻ em bị rôm sảy thì bạn có thể hái lá tươi xay nát. Sau đó lọc lấy nước để bé tắm hàng ngày cho đến khi tình trạng được cải thiện.
Cách dùng chữa đau thần kinh tọa, hoa mắt đau đầu, đau buốt khớp xương
Bạn lấy Ngải cứu tươi rửa sạch để ráo nước rồi sau đó giã nát. Tiếp theo bạn cho vào 2 thìa mật ong rồi trộn đều và vắt lấy nước uống vào buổi trưa và buổi chiều hàng ngày. Bạn cần dùng liên tục từ 1 đến 2 tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Cách dùng giúp cải thiện máu lưu thông lên não
Để thực hiện bạn cần chuẩn bị một nắm lá Ngải cứu tươi, cắt nhỏ và đánh tan với 1 quả trứng gà. Bạn nêm nếm gia vị cho vừa miệng rồi rán vàng lên dùng để ăn.
Cách dùng để cải thiện suy nhược cơ thể, kém ăn
Bạn dùng khoảng 250g Ngải cứu, 20g câu kỷ tử, 10g định quy, 2 quả lê, 1 con gà ác khoảng 150g. Bạn đem tất cả vào nồi hầm với 500ml nước và nêm nếm gia vị cho vừa miệng.
Khi nước cạn còn khoảng 250ml thì bạn tắt bếp, chia làm 5 phần và ăn hết trong ngày. Bạn cần dùng liên tục khoảng 1 đến 2 tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Cách dùng để chữa cảm cúm, đau cổ họng, ho
Bạn cần dùng 300g Ngải cứu, 100g lá khuynh diệp, 100g lá bưởi hoặc lá chanh hay lá quýt đều được. Sau đó bạn đem nấu với khoảng 2 lít nước trong 20 phút. Tiếp theo bạn dùng nồi nước này để xông hơi khoảng 15 phút cho đến khi nước nguội.
Hoặc bạn có thể dùng khoảng 300g lá Ngải diệp, 100g lá tía tô, 100g tần dày lá, 50g lá sả nấu với 1 lít nước. Đun sôi nhỏ lửa cho đến khi nước cạn còn khoảng 500ml thì tắt bếp. Bạn chắt lấy nước này dùng để uống mỗi khi thấy khát. Thực hiện liên tục khoảng 3 đến 5 ngày sẽ cho hiệu quả điều trị bệnh.
Đây là một vài cách sử dụng Ngải cứu để điều trị bệnh lý mà bạn có thể tham khảo. Để đảm bảo an toàn tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn nhằm tránh những ảnh hưởng không hay tới sức khỏe.
Một số lưu ý khi dùng Ngải cứu
Mặc dù Ngải cứu có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nó cũng có thể gây nên một số tác dụng phụ khi dùng sai cách. Chẳng hạn như dùng quá nhiều có thể gây ngộ độc, hưng phấn thần kinh trung ương. Dẫn đến run chân tay, co giật cục bộ, thậm chí co cứng, nói sàm hoặc bị tê liệt….
Bởi vậy quá trình sử dụng Ngải cứu bạn cần chú ý một số vấn đề như sau:
- Mới mang thai 3 tháng đầu hoặc đang cho con bú nên cẩn trọng khi dùng. Tốt nhất bạn hãy tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn, có kinh nghiệm để đảm tránh ảnh hưởng không hay.
- Người mắc bệnh động kinh không nên dùng vì nó kích thích não bộ và có thể dẫn đến co giật.
- Người mắc bệnh tim đang điều trị warfarin không nên dùng vì dễ dẫn đến xuất huyết.
- Người mắc bệnh ở thận không nên sử dụng vì nó làm tăng nguy cơ suy thận.
- Người bị viêm gan khi dùng dễ dẫn đến rối loạn chuyển hóa tế bào gan, dẫn đến viêm gan cấp tính.
- Người bị rối loạn đường ruột không nên dùng vì có thể khiến bệnh thêm trầm trọng hơn.
- Ngoài ra không nên dùng liên tục quá 4 tuần bởi nó có thể dẫn đến các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa…..
Mua Ngải cứu ở đâu, giá bao nhiêu?
Bạn có thể tự mình hái Ngải cứu để phơi hoặc để sử dụng bởi loại cây này mọc hoang nhiều, dễ dàng thu hái. Nếu muốn mua bạn nên chú ý chọn những hiệu thuốc Nam hoặc hiệu thuốc Đông y của các thầy thuốc uy tín.
Bởi trên thị trường hiện nay có khá nhiều địa chỉ bán loại thảo dược này nhưng không phải chỗ nào cũng đảm bảo an toàn, không pha tạp, không lẫn thuốc. Giá Ngải cứu khô không quá đắt, tùy thuộc vào từng địa chỉ mà giá bán có thể chênh lệch ít nhiều. Tuy nhiên nhìn chung hiện nay mức giá dao động khoảng trên dưới 100.000 đồng/1 kg.
Trên đây là một vài thông tin về Ngải cứu cùng các công dụng của nó đối với sức khỏe. Hy vọng đã cung cấp cho bạn các thông tin hữu ích để có thể sử dụng loại dược liệu này được an toàn nhất.
Bài viết liên quan:
Cây cảm thảo và top 7 công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe