Dâu tằm là một loại cây khá gần gũi với người dân Việt và xuất hiện ở nhiều nơi. Cây dâu tằm không chỉ là một loại cây cho thu hoạch quả mà đây còn là một cây dược liệu với nhiều công dụng chữa bệnh tuyệt vời. Lá dâu tằm vô cùng nhỏ bé nhưng lại cho những lợi ích sức khỏe và giúp giải nhiệt, thanh lọc cơ thể,…Cùng tìm hiểu về lá cây dâu tằm và những bài thuốc bảo vệ sức khỏe hiệu quả.
Mô tả cây dâu tằm
Cây dâu tằm còn có nhiều tên gọi khác như cây chạy môn, cây tầm tang. Dâu tằm thuộc họ Dâu Moraceae và có tên khoa học là Morus alba L. Morus acidosa.
Dâu tằm là giống cây thân gỗ nhỏ với chiều cao trung bình của mỗi cây khoảng 3m. Khi non, thân cành của cây dâu tằm thường mềm và có lông, đến khi phát triển, thân cành màu xám trắng. Vỏ thân cây có các nốt sần với mủ cây màu trắng như sữa.
Lá dâu tằm có rất nhiều hình dạng khác nhau như hình tim, hình bầu dục, hình trứng nhộng và mọc theo cách so le với nhau. Mỗi lá có phiến rất mỏng và thường có mũi nhọn mềm ở đầu, chiều dài mỗi lá từ 5 – 10cm và chiều rộng khoảng 4 – 8cm.
Các mép lá có hình răng cưa và mặt trên thường có màu lục sẫm hoặc lục xám, mặt dưới của lá có màu lục nhạt, có nhiều lông tơ mọc trên lá. Lá có một gân lớn ở giữa và nhiều gân nhỏ tua ra xung quanh phiến lá như một mạng lưới.
Hoa dâu tằm đơn tính, với các cụm hoa đực có chiều dài khoảng 1,5 – 2cm, cuống ngắn, có 4 lá đài tù cùng 4 nhị mọc đối diện với các lá đài. Còn hoa cái có 4 lá đài, có bầu với 1 ô và 1 noãn.
Quả dâu tằm mọng nước, khi còn non quả màu xanh trắng và chuyển màu đỏ hồng hoặc màu đen khi chín. Mỗi quả có chiều dài khoảng 1 – 2cm, đường kính 7 – 10mm. Đều được gắn bởi cuốn dài khoảng 1 – 1,5mm, quả vị ngọt, hơi chua.
Cây dâu tằm phân bố tại nhiều khu vực của nước ta, điển hình như khu vực ngoại thành Hà Nội, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Nghệ An,… Đối với cây dâu tằm, người ta thường thu hái các bộ phận lá, quả, rễ, cây ký sinh, tổ bọ ngựa trên cây. Riêng với phần lá và rễ khi thu hái về được đem rửa sạch rồi phơi khô để chế biến thành các vị thuốc. Quả dâu tằm được rửa sạch để ráo rồi ngâm rượu.
Thành phần hóa học trong lá dâu tằm
Thành phần hóa học có trong lá cây dâu tằm bao gồm các thành phần dễ bay hơi như tinh dầu chiếm 0,0035%. Ngoài ra còn có các thành phần không bay hơi được như protein, flavonoid, carbohydrate, các vitamin và coumarin,…
Các dẫn chất coumarin bao gồm umbelliferon, scopolin, scopoletin. Các flavonoid bao gồm: quercetin, rutin, moracetin, isoquercitrin, quercitrin. Các acid hữu cơ gồm oxalic, tartaric, fumaric, malic, citric, ester methyl palmitate và palmitic. Các vitamin như B, C, D và caroten,…
Lá cây dâu tằm được gọi trong đông y là tang diệp, được biết đến là một loại dược liệu có giá trị cao trong đông y. Lá cây dâu tằm có tính hàn, vị ngọt và hơi đắng, đi vào hai kinh là phế và can.
Công dụng của lá dâu tằm
Mặc dù chỉ là một chiếc lá với kích thước khá nhỏ bé nhưng lá cây dâu tằm lại mang đến nhiều công dụng tuyệt vời trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe con người. Một số công dụng của lá cây dâu tằm như:
- Giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi và giảm áp lực lên mắt cho mắt sáng hơn.
- Vì mang tính hàn nên lá tang diệp còn giúp mát gan giải độc, phát tán phong nhiệt.
- Trong đông y, bài thuốc từ lá cây dâu tằm còn giúp thanh phế chỉ khái, tức là giúp thanh lọc cho phổi và trị ho hiệu quả.
- Lá cây dâu tằm còn được sử dụng để cầm máu, thanh lọc máu.
- Lá cây dâu tằm giúp hỗ trợ điều trị các chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mắt đỏ,…
- Những trường hợp bị cảm mạo phong nhiệt, viêm phế quản, khô miệng, ho khan có thể sử dụng bài thuốc từ lá cây dâu tằm để điều trị và giảm triệu chứng.
- Bài thuốc từ lá cây dâu tằm cũng đặc biệt hiệu quả đối với những bệnh nhân cao huyết áp và tiểu đường,…
- Giúp chữa các chứng ra mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ, mồ hôi tay ở người lớn.
- Bên cạnh các bài thuốc chữa bệnh, nghiên cứu từ lá dâu tằm còn cho thấy công dụng hiệu quả trong việc giúp làm đẹp da cho phái đẹp.
Những bài thuốc từ lá dâu tằm
Với những công dụng tuyệt vời mà lá cây dâu tằm mang lại cho sức khỏe con người, bạn có thể áp dụng một số bài thuốc đông y từ loại dược liệu này. Một số bài thuốc cực kỳ công hiệu nhằm giải quyết triệu chứng và phục hồi sức khỏe nhanh chóng hơn.
Bài thuốc từ lá cây dâu tằm giúp hỗ trợ các bệnh về mắt
Đối với những người thường xuyên phải làm việc với máy tính như giới văn phòng thì việc tiếp xúc với ánh sáng từ màn hình sẽ khiến mắt nhanh mỏi. Lâu dần, tình trạng này sẽ dẫn tới thị lực giảm sút và mắt thường hay đỏ.
Bài thuốc từ lá cây dâu tằm đặc biệt hiệu quả giúp cho mắt sáng, giảm đỏ mắt và thị lực tốt hơn. Bạn chỉ cần rửa sạch lá cây dâu tằm rồi đắp lên mắt và nằm nghỉ ngơi thư giãn sẽ giúp cho mắt sáng hơn, giảm căng thẳng, mệt mỏi cho mắt. Để tăng cường thị lực cho mắt, bạn có thể đem hấp lá dâu lên rồi đắp lên mắt và nằm thư giãn.
Một trong những cách làm khác nhằm hạn chế vi khuẩn xâm nhập và giúp mắt sạch hơn là rửa sạch lá dâu rồi đem đun với nước và sử dụng nước vệ sinh mắt. Nên thực hiện đều đặn 2 – 3 lần mỗi ngày và trong vài ngày bạn sẽ thấy hiệu quả.
Áp dụng lá dâu tằm để trị ho, cảm lạnh
Với những trường hợp người bị nhiễm lạnh, ho khan, cảm mạo có thể dùng lá dâu tằm như một bài thuốc để đẩy khí lạnh ra ngoài, giảm ho. Một số cách áp dụng như:
- Nấu nước lá cây dâu tằm để uống mỗi ngày, bạn có thể kết hợp cùng một số dược liệu khác để đun nước uống.
- Sử dụng lá dâu tằm 12g, hoa kim cúc 12g, 12g liên kiều, 12g hạnh nhân, 20g lô căn, 8g cát cánh, 4g cam thảo sắc nước để uống. Nên uống 2 – 3 lần/ngày để mang lại hiệu quả nhanh chóng, trị khô miệng, rát lưỡi,…
- Đem sắc 8g lá dâu tằm, 8g bối mẫu, 8g lê bì sa sâm, 8g chi tử bì và 4g đậu xị để lấy nước uống trị ho khan, ho đờm, mát gan, mát phổi,…
Dùng lá dâu tằm hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp
Với những người bệnh bị cao huyết áp hay tiểu đường hoàn toàn có thể sử dụng bài thuốc từ lá dâu tằm để ổn định huyết áp và đường huyết. Thực hiện nấu nước lá dâu tằm và uống mỗi ngày sẽ đánh bay triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ, giúp tăng cường miễn dịch, ổn định nhịp tim, ổn định huyết áp,… Nhờ vậy, giảm tối đa rủi ro do đột quỵ gây ra đối với những người bị mắc bệnh.
Lá dâu tằm còn được áp dụng để trị chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt bằng cách sử dụng 9g lá dâu tằm, 9g nụ kim cúc, 9g kỳ tử, 6g quyết minh tử. Sử dụng các vị dược liệu trên để hãm trà và uống mỗi ngày.
Đối với những người bệnh bị cao huyết áp muốn ổn định huyết áp có thể sử dụng lá dâu tằm non và nấu canh với ngao, hến để ăn. Không chỉ giúp ổn định huyết áp mà còn cực kỳ tốt cho phế quản, phổi,… Một bài thuốc khác với lá dâu để ổn định huyết áp với người cao huyết áp là sắc lá dâu với hạt ích mẫu rồi ngâm chân trước khi đi ngủ.
Bài thuốc từ lá dâu tằm trị chứng mồ hôi trộm ở trẻ
Bài thuốc từ lá dâu tằm cũng được áp dụng để trị chứng ra mồ hôi trộm ở trẻ và chứng ra mồ hôi tay ở người lớn. Sử dụng lá dâu tằm non rồi nấu canh với tép, tôm để ăn trong bữa ăn. Có thể sắc 12g lá cây dâu tằm với 12g kim cúc, 12g hạnh nhân, 12g liên kiều, 8g cát cánh, 4g bạc hà, 4g cam thảo và 20g lô căn đem sắc nước uống.
Làm đẹp bằng lá dâu tằm
Lá dâu tằm còn có tác dụng trong việc làm đẹp da, khi đắp lá dâu tằm làm sáng mắt đồng thời cũng giúp vùng da gần mắt đẹp và mịn màng hơn. Để sắc thành viên uống đẹp da, sử dụng vừng đen cùng lá dâu tằm đem đồ 9 lần rồi phơi khô 9 lần.
Sau đó trộn với thục địa, liên nhục đem tán nhỏ trộn với mật ong. Từ hỗn hợp trên nặn thành viên để uống, mỗi ngày uống 5g chia làm 2 lần. Bài thuốc giúp khỏe gân cốt, đẹp da, tăng tuổi thọ.
Lưu ý khi sử dụng lá dâu tằm
Tang diệp là loại dược liệu thiên nhiên khá an toàn và dễ sử dụng với các bài thuốc đông y được lưu truyền trong y học. Bài thuốc từ lá dâu tằm được nhiều người sử dụng và áp dụng thành công trong hỗ trợ điều trị một số bệnh lý. Tuy nhiên, khi sử dụng tang diệp người bệnh cũng nên lưu ý một số điều sau:
- Không sử dụng bài thuốc từ tang diệp với phụ nữ có thai và đang cho con bú.
- Không sử dụng khi gặp phải tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc các triệu chứng ho có kèm sốt nóng,…
- Không dùng cho người bệnh viêm tiết niệu, mộng tinh.
- Nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng lá dâu tằm để làm bài thuốc điều trị bệnh.
Mua lá dâu tằm ở đâu? Giá bao nhiêu?
Lá dâu tằm dễ dàng tìm thấy ở nhiều địa phương của nước ta. Tuy nhiên, nếu sử dụng lá dâu tằm tươi, khô hoặc sử dụng kết hợp với các vị thuốc dược liệu khác nên mua tại các nhà thuốc đông y uy tín.
Tùy từng bài thuốc có mức giá thành khác nhau. Để bài thuốc từ tang diệp phát huy hiệu quả, người bệnh nên tìm mua tại địa chỉ uy tín, chất lượng, đảm bảo về mức độ an toàn cũng như kết hợp đúng vị thuốc.
Lá dâu tằm là dược liệu được nhắc đến nhiều trong y học dân gian với những bài thuốc đơn giản mà hiệu quả. Người bệnh nên tìm hiểu kỹ thông tin cũng như cách sử dụng và kết hợp các vị dược liệu khác vào trong điều trị bệnh đúng liều lượng và kỹ thuật sơ chế thuốc.
Xem thêm: