Cây kim ngân là loài cây thân leo. Các bộ phận của cây đều được dùng làm thuốc, trong đó nổi bật là hoa kim ngân. Tác dụng chính của cây là dùng làm thuốc giải nhiệt, trị các bệnh ngoài da,… Cùng tìm hiểu loài cây này qua bài viết sau.
Đặc điểm của cây kim ngân
Cây kim ngân còn có tên gọi khác là cây kim ngân hoa, cây nhẫn đông, cây song bào hoa. Tên khoa học của cây là Lonicera japonica Thunb. Đây là giống cây thuộc họ dây leo. Khi phát triển, cây cao từ 10 – 20m. Cành cây nhỏ, màu xanh nhạt, bên ngoài phủ lớp lông tơ mịn. Khi già, cành sẽ chuyển sang màu hơi đỏ, lớp lông tơ mịn sẽ mất đi.
Lá cây kim ngân có hình trứng, mũi mác, chiều dài khoảng 38 – 40cm, chiều rộng từ 1,5 – 5cm. Lá mọc đối xứng nhau. Lá cây xanh tươi suốt 4 mùa và không bị đổi màu hay rụng lá.
Hoa kim ngân thường mọc và nở vào tháng 4 đến tháng 7. Hoa có màu trắng ngà, sau đó chuyển sang màu vàng. Hoa mọc thành từng cụm, có hình ống, 2 môi, có mùi thơm nhẹ. Quả cây kim ngân có màu đen, hình cầu.
Phân bố của cây kim ngân
Trên thế giới, cây kim ngân có nhiều ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, các nước vùng Đông Bắc Mỹ. Còn tại Việt Nam, cây tập trung nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Lào Cai Lạng Sơn, Hà Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.
Kim ngân có thể thích nghi được ở cả vùng núi và đồng bằng, thường sinh sống tại các khu vực rừng thứ sinh, vùng núi hay vùng đồi. Cây có khả năng tái sinh cao.
Sau khi bị chặt đi, phần gốc còn lại vẫn phát triển khỏe mạnh và cho hoa, cho quả. Ngày nay, ngoài việc dùng làm dược liệu, kim ngân còn được dùng làm cây cảnh để trồng trước nhà, tạo bóng mát.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến của cây kim ngân
Tất cả các bộ phận của cây kim ngân đều có thể dùng làm dược liệu, bào chế ra nhiều bài thuốc quý, trong đó hoa kim ngân được sử dụng nhiều nhất.Cây kim ngân cho thu hoạch sau khoảng 12 tháng trồng. Tùy vào mục đích sử dụng mà thu hoạch các bộ phận của cây.
Thời điểm thu hái hoa kim ngân thường là từ tháng 4 đến tháng 6. Nên hái lúc hoa sắp nở, hoặc đã nở nhưng chưa chuyển sang màu vàng, từ 9 – 10h sáng sau khi sương tan. Sau đó, hoa kim ngân được đem về phơi khô để làm thuốc. Còn các bộ phận như cành, lá thì cắt khúc, phơi khô.
Hoa kim ngân tươi có thể đem giã rồi lấy nước cốt đun sôi và uống. Còn hoa khô thì dùng sắc nước uống hoặc tán thành bột nhỏ. Ngoài ra, hoa kim ngân còn dùng để ngâm rượu uống rất tốt cho sức khỏe.
Kim ngân cần được bảo quản ở nơi thoáng mát. Tuyệt đối không nên để ở nơi ẩm ướt vì dễ ẩm mốc. Tốt nhất là nên đựng trong hũ có lót vôi sống hoặc hũ thủy tinh để tránh mốc, bay hơi và đổi màu.
Tác dụng dược lý của cây kim ngân
Theo nghiên cứu, kim ngân có rất nhiều tác dụng dược lý, cụ thể như sau:
Nghiên cứu dược lý hiện đại
- Tác dụng kháng khuẩn: Theo nghiên cứu, nước sắc từ hoa kim ngân có vị đắng, có tính kháng khuẩn cao, đặc biệt là tác dụng ức chế đối với tụ cầu khuẩn, trực khuẩn thương hàn và trực khuẩn lỵ Shiga. Tùy vào nồng độ của nước cốt hoa kim ngân mà có tác dụng kháng khuẩn từng loại vi khuẩn khác nhau.
- Tác dụng đối với đường huyết: Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi sử dụng nước sắc hoa kim ngân cho chuột lang thì có tác dụng ngăn chặn sự choáng phản vệ. Còn nghiên cứu trên thỏ thì thấy uống nước kim ngân làm tăng đường huyết trong thời gian từ 5 – 6 giờ.
- Tác dụng chuyển hóa chất béo: Nghiên cứu cho thấy hoa cây kim ngân có tác dụng thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất béo nhanh hơn. Nhờ vậy, có tác dụng giảm cân hiệu quả.
- Tác dụng kháng viêm, kháng virus: Kim ngân có tác dụng giảm nhiệt, giảm hoạt động của virus.
- Tác dụng chuyển hóa lipid.
- Tác dụng chống lao.
- Tác dụng cải thiện rõ rệt các triệu chứng của bệnh viêm phổi, quai bị, ngứa
- Tăng độ hưng phấn ở khu thần kinh.
- Tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, mát gan.
- Tăng bài tiết dịch vị, dịch mật.
- Tác dụng với nhãn khoa.
- Làm giảm cholesterol trong máu.
- Kim ngân không có độc tính.
Tác dụng của kim ngân theo y học cổ truyền
Từ lâu, cây kim ngân được sử dụng như một dược liệu quý trong đông y bởi những dược lý của loại cây này, cụ thể:
- Tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
- Trị các chứng ôn bệnh phát nhiệt như ghẻ lở, rôm sảy, hắc lào…
- Tác dụng khu phong, tán nhiệt, phong thấp, liệu tý, chỉ lỵ, tiêu thũng.
Một số bài thuốc trị bệnh có dùng cây kim ngân
Với những tác dụng về dược lý như trên, kim ngân được sử dụng nhiều trong các bài thuốc trị bệnh. Sau đây là một số bài thuốc phổ biến.
Bài thuốc trị tiêu chảy
Dùng 12 – 20g cành hoặc lá của cây kim ngân. Đem rửa sạch rồi nấu với nước khoảng 15 – 20 phút để uống. Ngoài ra có thể cô đặc thành cao kim ngân để dùng dần. Mỗi ngày uống 2 – 3 lần cho đến khi tình trạng tiêu chảy giảm dần. Duy trì uống cho đến khi chấm dứt tiêu chảy.
Bài thuốc trị lở ngứa, mụn nhọt
Dùng hoa kim ngân 20g, cam thảo 20g. Nấu nước để uống hàng ngày. Ngoài ra, dùng hoa kim ngân giã nhuyễn, trộn với rượu rồi đắp vào chỗ lở ngứa, mụn nhọt.
Bài thuốc trị bệnh quai bị, đau họng
Nguyên liệu chuẩn bị gồm có: Hoa kim ngân 16g, đậu xị 18g, trúc diệp, ngưu bàng tử, liên kiều mỗi loại 12g, kinh giới, cát cánh mỗi vị 8g, cam thảo, bạc hà mỗi vị 4g. Tất cả rửa sạch rồi sắc lấy nước uống. Dùng để uống hàng ngày cho đến khi bệnh thuyên giảm và khỏi hẳn.
Bài thuốc trị cảm cúm
Nguyên liệu chuẩn bị bao gồm: Kim ngân hoa 6g, cam thảo 3g, rửa sạch rồi nấu cùng 200ml nước cho đến khi còn lại một nửa. Chia 100ml nước thành 2 – 3 lần và sử dụng trong ngày.
Uống cho đến khi bệnh khỏi hẳn. Ngoài ra có thể kết hợp kim ngân với cam thảo đất, tía tô, kinh giới, gừng, sài hồ nam, mãn kinh để sắc uống hàng ngày để trị cảm cúm.
Bài thuốc trị viêm xoang
Cách dùng kim ngân để trị viêm xoang như sau:
Trị viêm xoang mãn tính: Bài thuốc gồm: Kim ngan, sinh địa, ké đầu ngựa mỗi loại 16g; huyền sâm, hoàng cầm, đan bì, mạch môn mỗi loại 12g; 8g tần bì. Tất cả rửa sạch rồi sắc cùng 5 chén nước đầy cho đến khi còn lại 1 nửa và uống thành 3 lần trong ngày.
Trị viêm xoang cấp tính: Bài thuốc gồm: Kim ngân hoa, hy thiên thảo, ngư tinh thảo, ké đầu ngựa mỗi loại 16g; mạch môn 12g, chi tử 8g. Tất cả rửa sạch, nấu cùng 5 chén nước cho đến khi cạn còn khoảng 3 chén. Chia thành 3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc trị sốt xuất huyết
Nguyên liệu cần có: Kim ngân 20g, hoàng cầm 12g, cỏ tranh 20g, liên kiều 12g, cỏ nhọ nồi 16g, hoa hòe 16g. Sao vàng hoa hòe và cỏ nhọ nồi. Cho tất cả vào hỗn hợp còn lại rồi đun sôi để uống. Mỗi ngày uống 1 lần cho đến khi tình trạng bệnh sốt xuất huyết thuyên giảm.
Bài thuốc trị viêm gan do virus gây ra
Các thành phần gồm: Kim ngân 16g, hoàng cầm 12g, hoạt thạch 12g, nhân trần 20g, mộc thông 12g, đại phúc bì 12g, phục linh 8g, đậu khấu 8g, cam thảo 4g. Tất cả rửa sạch, sắc uống hàng ngày.
Bài thuốc trị chảy máu do nhiễm khuẩn
Nguyên liệu gồm: Kim ngân 20g, cỏ nhọ nồi 16g, bồ công anh 12g, hoa hòe 12g, trắc bá diệp 12g, liên kiều 12g, chi tử sao 10g. Sắc với 5 chén nước đến khi còn lại 2- 3 chén, chia ra để uống trong ngày thành 3 lần. Duy trì uống mỗi ngày cho đến khi tình trạng chảy máu không còn thì ngưng sử dụng.
Bài thuốc trị viêm vú do tắc sữa
Bài thuốc gồm: Kim ngân, cam thảo, đương quy, hoàng kỳ với liều lượng mỗi loại 10g. Riêng hoàng kỳ thì phải nướng qua than lửa trước khi sắc. Bỏ chung các vị thuốc với 1 ly rượu và 5 chén nước lạnh. Đun sôi cho đến khi cạn còn khoảng 1 – 2 chén. Uống hàng ngày cho đến khi vú hết sưng, hết viêm.
Bài thuốc trị viêm phúc mạc, viêm ruột thừa
Bài thuốc gồm: Kim ngân 129g, đương quy, huyền sâm mỗi vị thuốc 80g, mạch môn, địa du mỗi vị 40g, ý dĩ nhan 20gr, hoàng cầm 16g, cam thảo 12g. Sắc tất cả các vị thuốc trên cùng 500ml nước cho đến khi còn khoảng 3 chén. Uống hàng ngày cho đến khi tình trạng viêm thuyên giảm và hết hẳn.
Bài thuốc trị bệnh vảy nến
Nguyên liệu gồm: Kim ngân 16gr, bồ công anh 12g, liên kiều 12g, thổ phục linh 8g, ké đầu ngựa 8g, trúc diệp 8g, ngưu bàng tử 8g, bạc hà 6g, hạ khô thảo 6g, chi tử 6g. Tất cả sắc với 500ml nước và sử dụng trong 2 ngày. Mỗi ngày uống 3 lần. Có thể uống trước hoặc sau khi ăn 30 phút.
Lưu ý khi sử dụng cây kim ngân
Tuy là một loại dược liệu lành tính, không gây ra tác dụng phụ nhưng vẫn hạn chế sử dụng cây kim ngân cho một số trường hợp sau:
- Những người bị dị ứng và mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong cây kim ngân.
- Trường hợp người bệnh bị lở loét, mụn nhọt đã bị vỡ.
- Những người mắc hư hàn.
- Phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Không nên sử dụng trà kim ngân hoa trong thời gian dài vì sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp ( gây đờm), hệ tiêu hóa.
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
- Người lớn và trẻ em có liều lượng sử dụng khác nhau. Vì thế cần sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để có hiệu quả tốt nhất.
Trên đây là những chia sẻ đến bạn cây kim ngân. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích để bạn tham khảo. Tùy vào tình trạng, cơ địa của mỗi người mà sử dụng liều lượng cho phù hợp theo khuyến cáo của bác sĩ.
Xem thêm: